PHỤ HUYNH/NGƯỜI BẢO TRỢ
Phụ huynh là một trong những đối tượng được hưởng lợi của dự án QIPEDC. Dự án thực hiện khảo sát, lập danh sách tại các địa phương, biên soạn các tài liệu bồi dưỡng, tổ chức các lớp tập huấn, tiếp nhận phản hồi từ phía phụ huynh để hoàn thiện hơn nội dung và cách thức đào tạo.
Tập “Tài liệu bồi dưỡng phụ huynh hỗ trợ học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ kí hiệu” được xây dựng bao gồm có 5 chủ đề:
- Chủ đề 1. Đặc điểm nhận thức, giao tiếp và học tập của học sinh khiếm thính cấp Tiểu học.
- Chủ đề 2. Ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam - Hướng dẫn tự học và xây dựng môi trường giao tiếp tại gia đình thông qua ngôn ngữ kí hiệu.
- Chủ đề 3. Xây dựng môi trường giao tiếp (NNKH) trong gia đình.
- Chủ đề 4. Giới thiệu 2 bộ tài liệu video bài học Tiếng Việt và Toán bằng NNKH – Hướng dẫn cách sử dụng tài liệu và kỹ năng học ở nhà.
- Chủ đề 5. Giáo dục giới tính và phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục ở học sinh khiếm thính.
Mỗi chủ đề được thiết kế theo hướng phát triển năng lực người học, cùng với các hoạt động giúp phụ huynh có thể nắm được các yêu cầu dự án đề ra cho mình trong quá trình hỗ trợ học sinh khiếm thính ở gia đình, thông qua NNKH. Ngoài ra, ở mỗi chủ đề còn có các câu hỏi đánh giá, đặc biệt là nguồn tài liệu tham khảo giúp phụ huynh có thể tự nâng cao hiểu biết, phát triển các khả năng hỗ trợ học sinh khiếm thính.
Mục tiêu của đào tạo phụ huynh nhằm đạt được:
1. Năng lực
- Phụ huynh hiểu được một số đặc điểm ngôn ngữ và giao tiếp của học sinh khiếm thính cấp Tiểu học.
- Phụ huynh vận dụng được các kí hiệu cơ bản để xây dựng môi trường giao tiếp tại gia đình thông qua ngôn ngữ kí hiệu.
- Phụ huynh vận dụng được ngôn ngữ kí hiệu để hỗ trợ học sinh khiếm thính học môn Toán và môn Tiếng Việt, phát triển các kĩ năng cơ bản về giáo dục giới tính, phòng chống bạo lực xâm hại, bảo vệ bản thân.
2. Phẩm chất
- Phụ huynh có tinh thần tự học và thực hành ngôn ngữ kí hiệu
- Phụ huynh sẵn sàng phối hợp với giáo viên, nhân viên, người lớn điếc trong hoạt động hỗ trợ học sinh khiếm thính giao tiếp, học tập, hoà nhập cộng đồng.